Sign In

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

09:27 10/06/2024

Chọn cỡ chữ A a  

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Khái quát lịch sử hình thành và phát triển
của Bộ Tài nguyên và Môi tr
ường

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập trên cơ sở hợp nhất một số cơ quan, lĩnh vực quản lý chuyên ngành, bao gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thuỷ văn; biến đổi khí hậu; đo đạc, bản đồ; và quản lý tổng hợp và thống nhất biển và hải đảo. Các lĩnh vực do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý đều gắn liền với sự phát triển của đất nước.

Ngay sau khi giành được chính quyền, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã tổ chức chính phủ lâm thời và xác định các lĩnh vực do nhà nước quản lý trong đó có các lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, cụ thể như sau:

- Ngày 25 tháng 9 năm 1945, Phòng Bản đồ thuộc Bộ tổng tham mưu được thành lập.

Ngày 03 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 41/SL, tuyên bố bãi bỏ tất cả các công sở và các cơ quan thuộc Phủ Toàn quyền Đông dương. Chuyển giao toàn vẹn bất động sản, động sản và nhân viên hiện tòng sự sang các Bộ của chính phủ lâm thời Việt Nam. Theo đó, đã thành lập các sở sau: Sở Tổng Thanh tra Khoáng chất và kỹ nghệ được chuyển sang Bộ Quốc dân Kinh tế; Sở Trước bạ, Văn tư, Quản thủ điền thổ và thuế trực thu được chuyển về Bộ Tài chính; Sở Thiên văn và Đài Thiên văn Phủ Liễn về trực thuộc Bộ Công chính và Giao thông.

Đây là cơ sở để thành lập cơ quan quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản cũng như quan lý nhà nước về đất đai và khí tượng thủy văn trong chế độ mới.

- Ngày 13 tháng 4 năm 1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 50/SL về việc tổ chức Bộ Giao thông công chính trong đó có Nha Khí tượng

- Ngày 06 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 61/SL quy định bộ máy tổ chức của Bộ Quốc dân kinh tế trong đó có Nha Khoáng chất và Mỹ nghệ.

- Ngày 29 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 75/SL về cơ cấu bộ máy cơ quan Bộ Tài chính, trong đó có Nha Trước bạ, Công sản và Điền thổ là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai.

- Ngày 28 tháng 9 năm 1955, Chính phủ ban hành Nghị định số 588/TTg thành lập Nha Khí tượng trực thuộc Phủ Thủ tướng. Ngày 05 tháng 6 năm 1958, Chính phủ ban hành Nghịđịnh số 916/TTg thành lập Nha Khí tượng Thủy văn.

- Ngày 16 tháng 9 năm 1959, Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị quyết về việc thành lập Cục Đo đạc và Bản đồ nhà nước. Ngày 14 tháng 12 năm 1959, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ban hành Nghị định 444/TTg về việc thành lập Cục Đo đạc và Bản đồ nhà nước trực thuộc Thủ tướng phủđể thống nhất chỉđạo và tổ chức thực hiện công tác đo đạc trong toàn quốc; xuất bản và quản lý các loại bản đồ; nghiên cứu khoa học về đo đạc và bản đồ.

- Ngày 14 tháng 10 năm 1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết số 21-NQ/QHK6 thành lập Tổng cục Khí tượng Thủy văn trên cơ sở hợp nhất Nha Khí tượng và Cục Thủy văn (thuộc Bộ Thủy lợi).

Ngày 6 tháng 3 năm 1979, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/CP, quy định Bộ Thuỷ lợi chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên nước, phân phối sử dụng và bảo vệ tài nguyên và môi trường nước.

- Ngày 09 tháng 11 năm 1979, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 404-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Tổng cục Quản lý ruộng đất.

Ngày 12 tháng 10 năm 1992, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã được thành lập. Ngày 22 tháng 5 năm 1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số22-CP về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và môi trường. Theo đó, Cục Môi trường là cơ quan đầu tiên chuyên trách về bảo vệ môi trường có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất quản lý các hoạt động bảo vệ môi trường trong cả nước.

- Ngày 22 tháng 02 năm 1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/CP thành lập Tổng cục Địa chính trên cơ sở hợp nhất Cục Đo đạc và Bản đồ nhà nước và Tổng cục Quản lý ruộng đất.

- Ngày 01 tháng 11 năm 1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/CP giao việc quản lý tài nguyên nước cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngày 05 tháng 8 năm 2002, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được thành lập theo Nghị quyết số 02/2002/QH11, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI và Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở hợp nhất Tổng cục Địa chính, Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường thuộc các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công nghiệp; Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; môi trường; khí tượng thuỷ văn; đo đạc, bản đồ.

Ngày 04 tháng 3 năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường (thay thế Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002), sau đó đã được sửa bổi, bổ sung tại Nghị định số 19/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 (sửa đổi các điểm c, d, g, h vài khoản 5 Điều 2 Nghị định 25/2008/NĐ-CP) và Nghịđịnh số 89/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2010 (sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 25/2008/NĐ-CP); tổ chức bộ máy của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục được kiện toàn, củng cố, tăng cường, làm rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực, trong đó bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ về định giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quản lý lưu vực sông, biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo.

Ngày 04 tháng 3 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường (thay thế Nghị định số 25/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008). Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được kiện toàn tương đối tổng thể từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Về chức năng, đã bổ sung thêm chức năng quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu; về nhiệm vụ, đã phân định trách nhiệm vụ thể giữa Bộ với các Bộ ngành khác về việc định giá đất cụ thể, quản lý nước các lưu vực sông, đa dạng sinh học, sức khỏe môi trường quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; tăng cường nhiệm vụ về địa chất, khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản; quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong phòng ngừa, ứng phó với biến đổi khí hậu; bổ sung nhiệm vụ quản lý và phát triển công nghệ viễn thám phục vụ công tác quản lý tài nguyên môi trường, phát triển kinh tế - xã hội. Về cơ cấu tổ chức, đã thành lập Cục Viễn thám quốc gia trên cơ sở Trung tâm Viễn thám quốc gia; có cơ cấu tổ chức phòng trong các Vụ trực thuộc Bộ; quy định Cục Quản lý tài nguyên nước có Chi cục tại thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Trung bộ, miền Trung và Tây Nguyên; đổi tên một số đơn vị trực thuộc Bộ: Vụ Thi đua - Khen thưởng thành Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản thành Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước thành Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia.

Ngày 04 tháng 04 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường (thay thế Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013). Theo Nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa chất, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, viễn thám, quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Nghị định đã bổ sung thêm chức năng quản lý nhà nước về viễn thám và chỉnh lý cụm từ "tài nguyên và bảo vệ môi trường" đối với chức năng quản lý nhà nước về biển và hải đảo để phù hợp với Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Ngoài các nội dung được kế thừa của Nghị định số 21/2013/NĐ-CP, Nghị định mới đã bãi bỏ một số nội dung không còn phù hợp, cập nhật bổ sung một số nhiệm vụ để đảm bảo phù hợp với các văn bản pháp luật mới được ban hành.

Theo Nghị định, Bộ có 23 đơn vị gồm: Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Khoa học và công nghệ; Vụ Pháp chế; Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền; Vụ Tổ chức cán bộ; Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ; Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Tổng cục Quản lý đất đai; Tổng cục Môi trường; Tổng cục Khí tượng thủy văn; Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường; Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; Cục Biến đổi khí hậu; Cục Quản lý tài nguyên nước; Cục Viễn thám quốc gia; Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; Báo Tài nguyên và Môi trường; Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường.

Ngày 22 tháng 9 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường (thay thế Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017). Theo Nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Theo Nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 27 đơn vị gồm: 1- Vụ Hợp tác quốc tế; 2- Vụ Kế hoạch - Tài chính; 3- Vụ Khoa học và Công nghệ; 4- Vụ Pháp chế; 5- Vụ Tổ chức cán bộ; 6- Vụ Đất đai; 7- Vụ Môi trường; 8- Thanh tra Bộ; 9- Văn phòng Bộ; 10- Tổng cục Khí tượng Thủy văn; 11- Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; 12- Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; 13- Cục Biến đổi khí hậu; 14- Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường; 15- Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai; 16- Cục Địa chất Việt Nam; 17- Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; 18- Cục Khoáng sản Việt Nam; 19- Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; 20- Cục Quản lý tài nguyên nước; 21- Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất; 22- Cục Viễn thám quốc gia; 23- Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; 24- Báo Tài nguyên và Môi trường; 25- Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; 26- Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; 27- Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường.

Ý kiến